Bối cảnh Mùa xuân nhớ Bác

Tháng 7 năm 1959, Phạm Thị Xuân Khải cùng gia đình đi Sầm Sơn (Thanh Hóa) thăm ông nội tại trại an dưỡng II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện thân mật với các cụ cao tuổi miền Nam đang an dưỡng tại đây. Hồ Chí Minh có ghé thăm gia đình Xuân Khải, nhìn thấy mâm rau sống thì nói "Rau sống cháu rửa có sạch không? Nếu không rửa sạch sẽ có giun và dễ bị đau bụng", bế em trai Xuân Khải rồi nói tiếp "cháu phải học giỏi và ngoan nhé". Năm 1963, Phạm Thị Xuân Khải từ Hải Phòng về Hà Nội, sau được vào Phủ Chủ tịch và được Hồ Chí Minh chia kẹo cùng với khu Đoàn Ba Đình.[2] Phạm Thị Xuân Khải sinh ra tại huyện Hoài Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, được tập kết ra miền Bắc lúc tám tuổi và sau này học Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, tham gia chiến trường B từ năm 1974, quay lại học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1986.[3] Phạm Chấn Hưng—bố Xuân Khải và giữ chức Vụ phó Vụ Miền Nam tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam—đã trả lại nhà công vụ tại Hà Nội và trở về Bình Định an hưởng tuổi già.[3][4] Phạm Chấn Thiện—em trai Phạm Thị Xuân Khải và là bộ đội—tử chiến tại chiến trường miền Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Phạm Chấn Hoàng—em trai Phạm Thị Xuân Khải và công tác tại Bộ Công an—tử nạn khi tình nguyện vào chiến trường Tây Ninh để bảo vệ Trung ương Cục miền Nam.[4] Năm 1978, Đặng Bích Hà—vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp—vào Nghĩa Bình nghiên cứu lịch sử văn hóa Sa Huỳnh, Phạm Thị Xuân Khải (khi đó là biên tập viên của Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình) hỗ trợ Đặng Bích Hà.[5]

Võ Nguyên Giáp vào năm 2006 nhận xét thập niên 1980 khi đó "là thời kỳ của tư tưởng bảo thủ, tả khuynh, thời kỳ "ngăn sông cấm chợ". Tư tưởng đổi mới ra đời thực sự khó khăn. Đấu tranh cho cái mới ra đời luôn gian nan", đồng thời đánh giá cao vai trò của cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong quá trình hình thành tư tưởng Đổi Mới.[6][7] Thập niên 1980, kinh tế quốc gia “tuột dốc theo chiều rơi thẳng đứng”, người dân đói ăn, bữa cơm vẫn độn sắn–độn khoai–bo bo–mì hột, nhiều gia đình "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi". Nhà thơ Nguyễn Duy khi đó nuôi lợn trên tầng ba và cay đắng viết "nâng con lợn lên ngang tầm thời đại". Nông dân mùa màng thất bát và không đủ nộp thuế, công chức nhà nước sống cảnh bao cấp ngặt nghèo, trong khi một bộ phận cán bộ lại thoái hóa khiến nhân tâm ly tán.[8] Giai đoạn này nhiều người cho rằng đánh thắng Hoa Kỳ xong thì làm gì cũng được, nhiều chính sách duy ý chí đã khiến đất nước lao đao, tư cách đạo đức và lối sống của một bộ phận quan chức xuống cấp khiến giảm lòng tin của người dân với Đảng Cộng sản Việt Nam.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mùa xuân nhớ Bác http://nguoilambao.vn/upload_images/files/Tap-chi-... https://web.archive.org/web/20131011004605/https:/... https://web.archive.org/web/20160502084249/https:/... https://web.archive.org/web/20160908032949/https:/... https://web.archive.org/web/20170816164600/https:/... https://web.archive.org/web/20200703204137/https:/... https://web.archive.org/web/20200704141220/https:/... https://web.archive.org/web/20200716014541/https:/... https://web.archive.org/web/20200716015142/https:/... https://web.archive.org/web/20200716015334/https:/...